Cây chỉ cao độ 1m, vòm lá sum suê, trên các cành treo lủng lẳng những quả cam
đỏ au, mọng nước, trông rất bắt mắt. Có cây rao bán tới 1 triệu đồng. Giá quả
thì dao động từ 60.000-70.000 đồng/kg. Nếu ta có một vườn cam đường Canh thì vụ
tết này thu khá lắm!
Cam đường Canh chính là một giống quýt. Nó có vỏ mỏng và bóc dễ nhưng vỏ lại
dai nên có nơi còn gọi là cam giấy. Nó được trồng nhiều ở vùng Canh-Diễn (Từ
Liêm, Hà Nội) nên có tên là cam đường Canh. Quả của nó hình cầu hơi dẹt, vỏ
mỏng, nhẵn, khi chín có màu đỏ gấc rất tươi. Nó thường chín vào trước tết khoảng
1 tháng nên được giữ để bày mâm ngũ quả cúng tổ tiên. Cam đường Canh lại thích
nghi rộng, trồng được ở mọi nơi. Nó lại cho năng suất cao, nếu chăm sóc tốt, 1ha
có thể thu 40-50 tấn quả. Nhà nào lại kết hợp vừa trồng lấy quả, vừa làm cây
giống và lại làm cả cây cảnh từ cam đường Canh nữa thì chắc sẽ mau giàu. Đây
cũng là một thế mạnh!
Hiện nay, cam đường Canh đã được trồng ở khắp nơi. Nó có giống chín sớm,
giống chín muộn. Nếu trồng, bà con nên chọn đất phù sa ven sông, đất bồi tụ, đất
rừng mới khai phá, đất thung lũng, đất phù sa cổ có tầng dày từ 80-100cm, có hàm
lượng mùn cao, thoát nước, mực nước ngầm dưới 1m... thì trồng nó mới tốt. Nơi
trồng nên cao ráo, thoáng đãng, có pH từ 5,5-6. Nếu nơi đất thấp, ta nên lên
luống cao và có rãnh thoát nước dễ dàng.
Cam đường Canh nên nhân giống vô tính bằng các phương pháp ghép, giâm cành,
hoặc chiết cành. Mật độ có thể xê dịch tùy từng vùng: Có nơi trồng 300-500
cây/ha (4x5m hoặc 6x7m). Cũng có nơi trồng từ 800-1.200 cây/ha (4x2m hoặc 3x3m
hay 3x4m).
Nó là cây lưu niên nên phải đào hố và bón lót tốt trước khi trồng. Hố nên
rộng từ 40x40x40cm tới 60x60x60cm. Ở các vùng đồi gò, hố nên rộng hơn
(70x70x70cm). Mỗi hố cho 30-40kg phân chuồng hoai mục, 0,2-0,5kg phân lân Văn
Điển và 0,1-0,2kg sunphát kali. Ta trộn phân với đất mặt và lấp hố trước khi
trồng 15-20 ngày.
Sau khi trồng cây, nên nén chặt và tưới nước ngay. Ta tưới mỗi ngày 1 lần và
tưới hơi đẫm trong 10 ngày đầu. Sau đó, mỗi tuần tưới 1-2 lần cho cây. Khi cây
đã bén rễ thì giảm dần số lần tưới nhưng giữ cho đất luôn có độ ẩm khoảng
70%.
Ta có thể trồng xen rau, đậu quanh gốc cam trong 2-3 năm đầu khi cây chưa
khép tán.
Giống với các cây cùng họ, cam đường Canh cũng dễ bị một số sâu bệnh phá hoại
như: Sâu vẽ bùa, sâu đục thân, đục cành, nhện đỏ, nhện trắng, ruồi đục quả, bệnh
loét, bệnh chảy gôm, bệnh do virus... Bà con nên tuân thủ quy trình bảo vệ thực
vật mà anh em khuyến nông đã hướng dẫn.
Làm tốt mọi khâu, ta sẽ có được những vườn cam đường Canh tuyệt vời.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng
No comments:
Post a Comment