Những năm gần đây xã Tam Đa vươn lên trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện Phù Cừ (Hưng Yên) nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn xã, hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng, bộ mặt làng quê khang trang đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Thực hiện chủ trương của tỉnh, những năm 1997 – 1998, xã Tam Đa phát động phong trào cải tạo vườn tạp trong nhân dân. Vấn đề đặt ra là cải tạo, phá bỏ vườn tạp thì trồng cây gì vào đó? Có ý kiến đề xuất: ở đền Đậu, thôn Tam Đa từ xa xưa đã trồng được cây vải, quả ngon nổi tiếng khắp vùng, thử nhân rộng giống vải đó ra. Ý kiến đó được chấp thuận, từ một vài gia đình trong thôn Tam Đa trồng thử, đạt kết quả tốt, đến nay sau khoảng 15 năm, giống vải ở đền Đậu được nhân rộng, trồng trên địa bàn toàn xã với diện tích trên 100 ha. Vải ở Tam Đa được trồng tại vườn của hầu hết các gia đình trong xã, ở các bờ vùng. Riêng thôn Tam Đa đã có khu chuyên trồng vải như khu đồng Ngói, khu Trại cá cao, mỗi khu rộng từ 15 ha đến 17 ha. Cây vải ở Tam Đa đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa phương, có tới 90% số hộ gia đình trong xã có thu nhập từ cây vải, hộ ít mỗi vụ thu vài triệu đồng, hộ nhiều thu 50 đến 100 triệu đồng/vụ, điển hình như hộ anh Thiết, anh Nga, thôn Tam Đa. Riêng năm 2013, vải lai ở Tam Đa cho thu trên 1000 tấn quả, đạt giá trị trên 10 tỷ đồng …Với đặc điểm quả to, mã đẹp, ăn thơm, ngon, lại cho thu hoạch sớm hơn so với vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) và vải thiều Bắc Giang, vải lai Tam Đa trở thành thương hiệu nổi tiếng được thị trường trong và ngoài nước tiêu thụ mạnh. Vào mùa thu hoạch vải, làng quê Tam Đa trở lên sôi động, nhộn nhịp kẻ bán, người mua, từng đoàn xe ô tô từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, và từ Trung Quốc về xã, đậu kín đường làng chờ, chở vải quả đi tiêu thụ.
Mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cam mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Tam Đa (Phù Cừ) |
Cùng với cây vải lai, khoảng 4 năm trở lại đây, trên đồng đất xã Tam Đa, (chủ yếu là ở thôn Ngũ Phúc) xuất hiện loại cây trồng mới đó là cây cam cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Người tiên phong đưa cây cam về trồng trên đồng ruộng thôn Ngũ Phúc là các anh Đặng Quang Huyên, Đào Xuân Biên… đây là những người làm vườn cho ông Hoàng Văn Cơ ở xã Minh Tiến (Phù Cừ). Thấy ông Cơ có thu nhập cao từ trồng cam nên các anh đã đưa cây cam về quê mình. Bà Hoàng Thị Biếc, Phó trưởng thôn Ngũ Phúc cho biết: Vụ cam năm 2012 ở thôn Ngũ Phúc, người có thu nhập cao nhất từ cam là ông Trần Văn Hanh đạt 200 triệu đồng. Hiện nay diện tích trồng cam Vinh, cam đường canh của thôn đã mở rộng lên tới 11 ha với khoảng 100 hộ tham gia trồng cam, trong đó có nhiều hộ gia đình trồng gần 1 mẫu cam như hộ ông Biên, ông Doãn. Gia đình bà Biếc có 6,6 sào đất canh tác, bà trồng 4 sào cam. Đầu tháng 11 vừa qua bà bán 1 sào cam vinh thu 37 triệu đồng, tới đây bà tiếp tục thu cam đường canh. Bà Biếc khẳng định trồng cam cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa. Đó là lý do để nhân dân thôn Ngũ Phúc mở rộng diện tích trồng cam, hơn nữa, cây cam phù hợp với đồng đất, thổ nhưỡng ở địa phương cho sai quả, hương thơm, vị ngọt đậm. Trong khi đó, cây lúa ở đây cho thu nhập thấp, tính trung bình mỗi sào thu được 200kg thóc/vụ, trừ chi phí phân bón, giống lúa, thuốc bảo vệ thực vật, làm đất… ngày công của người lao động không đáng là bao, nên cây cam được người dân ở đây ưa trồng, mặc dù việc cải tạo đất để trồng cam không ít khó khăn.
Dẫn chúng tôi ra cánh đồng Cửa Trại thôn Ngũ Phúc, nơi có 41 hộ gia đình trồng cam, ông Trương Xuân Yêm, Bí thư Đảng ủy xã Tam Đa phấn khởi cho biết, đây vốn là khu ruộng trũng cấy lúa cho năng suất thấp, nay được bà con nông dân cải tạo trồng nên những vườn cam quả sai trĩu cành. Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang cam này bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, đang được xã xem xét, đề nghị huyện cho mở rộng. Ông Yêm cho biết thêm, trước đây xã có 370 ha canh tác, nhân dân chủ yếu cấy 2 vụ lúa chiêm, mùa nên đời sống khó khăn. Sau tái lập tỉnh, tình hình sản xuất của địa phương có nhiều khởi sắc, tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào đồng ruộng. Ngoài 2 vụ lúa được gieo cấy bằng các giống lúa mới, đúng lịch thời vụ xã đẩy mạnh trồng cây vụ đông, trồng vải lai, nay trồng thêm cây cam, nông dân trong xã thoát nghèo, đang thi nhau làm giàu trên đồng đất quê mình. Vốn là một trong những xã nghèo của tỉnh, nay tỷ lệ hộ nghèo ở Tam Đa chỉ còn khoảng 5%, đường xã, đường liên thôn, đường thôn xóm được trải nhựa, đổ bê tông xi măng, các trường học, trạm y tế, nhà làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND, nhà ở dân cư được xây dựng khang trang, làng quê nghèo khó một thời nay đang khởi sắc.
Bài học rút ra từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Tam Đa là: Bám sát, vận dụng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế xã hội phù hợp với tình hình địa phương. Dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi giống, cơ cấu cây trồng, đưa khoa học, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân lao động sản xuất, phát triển kinh tế bằng những mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay xã Tam Đa đang thực hiện dồn ô, đổi thửa để nông dân được sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn, làm giàu trên chính mảnh đất quê mình.
No comments:
Post a Comment