Friday, August 1, 2014

Văn Giang: Triển vọng một vụ cam vinh, cam đường canh năng suất cao

Từ nhiều năm nay, huyện Văn Giang không chỉ được coi là “đất cam” nổi tiếng trong tỉnh Hưng Yên mà còn được nhiều bạn hàng ngoài tỉnh ưa chuộng. Khoảng trung tuần tháng 11 là thời điểm quan trọng, người trồng cam ở Văn Giang vừa tích cực chăm bón bảo vệ để cam sinh trưởng phát triển tốt, vừa bắt tay vào thu hoạch những lứa cam sớm, theo kinh nghiệm của nhiều nhà vườn thì năm nay cam sẽ cho sản lượng cao hơn những năm trước.
Năm nay, toàn huyện Văn Giang có khoảng 650 ha trồng cam trong đó có khoảng 400 ha cam đường canh và 250 ha cam vinh, tập trung nhiều ở các xã: Tân Tiến, Mễ Sở, Liên Nghĩa... Nếu so với các năm trước thì diện tích cam đang cho thu hoạch của huyện giảm khoảng 10%, nguyên nhân là do ảnh hưởng của đợt mưa đá năm 2006 và trận ngập lụt năm 2008 khiến một số vườn cam giảm năng suất, chất lượng, người trồng phải phá bỏ và trồng mới. Hơn nữa do sự phát triển kinh tế xã hội, diện tích đất nông nghiệp cũng ngày một thu hẹp, nhận biết điều này người trồng cam ở Văn Giang tích cực nâng cao hiệu suất canh tác để có được hiệu quả kinh tế cao. Cam là cây trồng truyền thống của nhiều địa phương ở Văn Giang, các hộ dân ở đây không những có kinh nghiệm trồng, chăm sóc mà còn có thị trường tiêu thụ. Nhiều hộ đã có sáng kiến thuê ruộng của các huyện, tỉnh lân cận để canh tác cam, hiệu quả kinh tế cũng rất cao.

Cam đường canh là quả thay đổi kinh tế Văn Giang Hưng Yên


            Trao đổi với ông Nguyễn Quốc Chương, cán bộ của phòng NN&PTNT huyện Văn Giang chúng tôi được biết: Hiện nay cam đường canh và cam vinh đều đang trong thời kỳ sinh trưởng, phát triển quan trọng. Sau những ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai những năm trước, các vườn cam đã dần phục hồi, nhiều diện tích phát triển khá tốt nên năm nay năng suất sẽ tăng hơn. Cam vinh đã bắt đầu cho thu hoạch rải rác từ hơn 2 tuần nay, cam đường canh cũng sắp cho thu hoạch trong thời gian tới nên công tác chăm sóc, bảo vệ cần được chú trọng. Năm nay thời tiết rét sớm lại có dự báo hanh khô kéo dài, ít mưa, sâu bệnh phát triển mạnh nên ngay từ đầu vụ phòng NN&PTNT huyện đã sớm phối hợp với HTX DVNN các xã, thị trấn phổ biến khoa học kỹ thuật, triển khai các lớp tập huấn trồng và chăm sóc cây có múi cho bà con nông dân. Qua đó, các hộ trồng cam chủ động chuẩn bị tốt nguồn phân bón, giữ đủ độ ẩm cần thiết cho cây trong thời kỳ nuôi quả. Với những ruộng sắp cho thu hoạch cần bón phân tổng hợp bổ sung, thúc quả, phun phòng trừ một số loại bệnh do vi khuẩn vi rút gây nên như: nấm, mốc sương... để tránh bệnh hại gây ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng quả. Trên những diện tích đang và đã cho thu hoạch, nhanh chóng tỉa bỏ những cành già, cành sâu bệnh, nên thu hoạch hơi còn xanh một chút, nhất là ở những cây sai quả, để cây phục hồi nhanh, sang năm sẽ sinh trưởng phát triển bình thường. Ngoài ra, các hộ có thể áp dụng một số biện pháp để tránh rét, tránh rụng nứt quả như: bón phân lân, bón tro bếp, phủ rơm rạ lên gốc...
            Thị trấn Văn Giang là một trong những địa phương có diện tích trồng cam lớn trong huyện với khoảng trên 60 ha cam vinh và cam đường canh. Diện tích cam của thị trấn được đánh giá sinh trưởng phát triển tốt, khoảng 50% diện tích cam vinh của thị trấn đã cho thu hoạch với năng suất từ 7- 8 tạ/ sào. Nhiều chủ vườn cho hay, năm nay thời tiết rét sớm lại rét đậm thất thường, từ đầu mùa rất ít mưa nên các hộ đều phải chủ động nguồn nước tưới để cung cấp đủ cho cây. Trên các vườn cam của thị trấn, công tác chăm sóc, thu hoạch đã diễn ra khá sôi nổi, nhiều thương lái đã tới tận vườn đặt hàng, thu hái. Trong thời gian tới, nếu giá cả ổn định và tăng hơn trong dịp tết thì người trồng sẽ thực sự có lãi.
            Tại xã Liên Nghĩa năm nay cũng có khoảng trên 150 ha cam vinh và cam đường canh đang trong thời kỳ cho thu hoạch. Tuy nhiên trên nhiều diện tích trồng cam trong xã bị nhiễm bệnh do nấm, vi khuẩn đang phát triển và gây hại trên diện rộng, nhất là bệnh vàng lá gân xanh (bệnh grenning do vi khuẩn). Ông Lý Xuân Minh, phó chủ tịch UBND xã cho biết, nếu ở những vườn sạch bệnh, năng suất cam có thể đạt từ trên 7 tạ/sào thì ở những vườn có bệnh năng suất bị sụt giảm, nếu không phòng trừ kịp thời có thể thất thu. HTX DVNN xã đã tích cực phổ biến cho người dân những biện pháp phòng trừ bệnh để giảm thiểu thiệt hại như: sử dụng phân chuồng hoai mục, NPK cân đối, kết hợp phun các loại phân bón qua lá có chứa kẽm để giúp những cây bị bệnh nhẹ hồi phục. Có thể dùng các loại thuốc như Appland, Trebon, Bassa, dầu Caltex... để phun trừ các loại bọ rầy trung gian truyền bệnh. Nếu những cây đã mang bệnh nặng thì nên mạnh dạn chặt bỏ để tránh lây bệnh sang cây khác trong vườn.
            Năm nay cam vinh ở Văn Giang được nhiều thương lái đánh giá cao, chất lượng quả đều, ngọt. Hầu hết các vườn đang cho thu hoach đều được các thương lái của Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương... đặt mua với giá từ 10- 13 nghìn đồng/kg, dự báo trong thời gian tới có thể giá cam sẽ tiếp tục tăng, với mức giá này trung bình người trồng cam có thể thu lãi từ 5- 7 triệu đồng/sào. Năm nay, mỗi sào cam ước tính cho năng suất 7- 8 tạ/sào, trên những diện tích chăm sóc tốt, năng suất cam có thể đạt 8 tạ- 1 tấn/sào, cá biệt có những nơi cho từ 1- 1,2 tấn/sào. Đây là kết quả đáng mừng cho người trồng cam Văn Giang sau những năm chịu ảnh hưởng của thiên tai. Phòng NN&PTNT huyện khuyến cáo người dân nên tiếp tục tăng cường theo dõi các loại sâu bệnh hại trên diện tích của gia đình mình, sớm phòng trừ để bảo đảm năng suất, chất lượng quả. Trong thời gian tới ngoài việc phải bảo đảm chế độ nước tưới thì cần có chế độ bón phân hợp lý cho cam đường canh để phục vụ dịp tết, đồng thời thu hoạch cam vinh đến đâu thì sớm tiến hành dọn lá tỉa cành, bón phân phục hồi sau thu hoạch để cây phát triển tốt vào năm sau.

No comments:

Post a Comment