Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất ven sông màu mỡ, mang trong mình bản
chất cần cù, chất phác của người nông dân, anh Dương Văn Quang thôn 1, xã Quảng
Châu (thành phố Hưng Yên) luôn mang trong mình ước mơ có thể làm giàu trên mảnh
đất quê hương.
Vừa cùng chúng tôi dạo bước trong vườn cam sum suê trái chín, anh Quang vừa
nhớ lại: xã Quảng Châu nằm ven sông Hồng, cứ mỗi mùa con nước lên cả xã nước
ngập mênh mông để rồi sau khi nước rút vùng đất bãi lại đỏ nặng phù sa màu mỡ.
Thế nhưng, trước đây gia đình anh cũng như bao hộ gia đình khác chủ yếu canh tác
rau màu ngắn ngày, trồng đay, ngô hoặc cấy lúa một vụ nên không khai thác được
hết tiềm năng của đất. Đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Thế rồi, hòa cùng
phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã, năm 2003, gia đình anh đã mạnh
dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất bãi sang trồng nhãn. Sau gần 3 năm thử sức
với các giống nhãn khác nhau, anh nhận thấy việc trồng nhãn đại trà dẫn đến tình
trạng được mùa rớt giá, hiệu quả kinh tế không cao. Đầu năm 2006, anh đã phá bỏ
toàn bộ diện tích trồng nhãn chuyển sang trồng các loại cây có múi, chủ yếu là
cam đường canh, ngoài ra còn trồng kèm thêm cam Vinh, bưởi Diễn... Thời gian đầu
làm vườn, gia đình anh gặp không ít khó khăn về vốn và kinh nghiệm sản xuất. Nhờ
sự cần cù, chịu khó những thành quả lao động bước đầu thu được từ việc trồng cam
đã chứng minh hướng phát triển kinh tế của anh là đúng đắn. Năm 2007 gia đình
anh đã thuê thầu thêm đất của xã để mở rộng diện tích trồng cam. Đến nay, gia
đình anh đã làm chủ gần 2 mẫu cam, năm 2011 gia đình anh thu được 8 tấn cam, thu
lãi trên 300 triệu đồng.
Anh Quang chia sẻ: “Cam đường canh là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao,
nhưng không phải ai cũng trồng được. Đây là loài cây khó tính đòi hỏi người làm
vườn phải có sự tâm huyết. Cây cam rất nhạy cảm với thời tiết và sâu bệnh, nếu
không áp dụng chế độ chăm sóc nghiêm ngặt, cây dễ mắc các bệnh rệp, vàng lá gân
xanh. Khi mới “vào nghề”, tôi phải lặn lội lên tận các nhà vườn ở Văn Giang,
Khoái Châu… để học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, tôi cũng tham gia đầy đủ các lớp
chuyển giao khoa học kỹ thuật để tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân. Do có
kỹ thuật chăm sóc tốt nên vườn cam của gia đình tôi vừa được nước lại vừa được
sắc, bao giờ cũng bán “được” giá hơn các hộ gia đình khác. Hiện, thương lái đã
về thăm vườn và đặt giá 60 nghìn đồng/kg. Năm nay vườn cam nhà tôi ước thu được
trên 10 tấn, mang lại nguồn thu nhập khá.”
Sắc cam vàng óng, niềm vui được mùa, được giá của người trồng cam đã xua
tan cái lạnh lẽo của những ngày cuối đông. Hy vọng với thị trường ổn định, được
giá, cây cam đường canh sẽ mang lại cuộc sống ấm no, sung túc cho gia đình anh
Quang nói riêng và những hộ trồng cam nói chung.
No comments:
Post a Comment