Thursday, December 26, 2013

Triển vọng cây cam Đường Canh trên đất Nà Phặc

Sau 5 năm học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật và lao động cật lực cuối cùng vườn cam Đường Canh (Hưng Yên) của anh Nguyễn Văn Hợp đã cho quả ngọt đầu mùa trên đất Nà Phặc (Ngân Sơn). Quyết định táo bạo và có phần mạo hiểm này mở ra triển vọng làm giàu cho anh Hợp và người dân địa phương ngay trên đồng đất quê hương mình.
v
Cam Đường Canh  được trồng thành công trên đất Nà Phặc (Ngân Sơn)

Xuất ngũ về quê, với bản lĩnh của một người lính, cùng khát vọng làm giàu của tuổi trẻ đã thôi thúc anh Hợp tìm hướng lập nghiệp. Nhận thấy cây cam Đường Canh (Hưng Yên) cho thu nhập cao anh Hợp đã quyết định đưa giống cam này lên trồng tại vùng cao Nà Phặc. Tuy nhiên, cam Đường Canh là giống đòi hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc khá công phu nên anh Hợp phải xuống tận Hưng Yên học hỏi. 2 năm làm nhân công tại các vườn cam Hưng Yên đã giúp anh Hợp học hỏi, tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm từ chọn giống, làm đất, chăm sóc, cắt tỉa cành, đến hãm cây ép ra hoa, đậu quả theo ý muốn.


Thời gian đầu khi mới trồng rất nhiều người thân, quen trong đó có cả gia đình anh Hợp tỏ ra hoài nghi, thậm chí là phản đối quyết định “điên” của anh. Bởi vốn đầu tư lớn (hơn 100 triệu đồng, trong đó tiền mua 1.000 cây giống là 30 triệu đồng), cây đòi hòi kỹ thuật chăm sóc đặc biệt, nhiều người đã từng bại sản vì cam Đường Canh. Nhất là khi một số cây mới trồng bị chết và chứng kiến những kỹ thuật khác thường như: đảo bầu, cắt khoanh vỏ cây nhằm ép cây ra hoa, tạo quả. Gian nan là vậy nhưng anh Hợp không lùi bước, 3 năm ròng anh cần mẫn trở đất màu về vườn, cần mẫn chăm sóc từng gốc cam, gốc bưởi. Những khi gặp khó khăn về kỹ thuật anh lại lăn lội xuống tận Hưng Yên đã học hỏi thêm.

Anh Hợp cho biết: Cam Đường Canh là giống cam dễ sống, dễ thích nghi với điều kiện ngoại cảnh mới nhưng rất khó ra hoa, kết trái. Nếu để cam phát triển tự nhiên thì cam Đường Canh sẽ không cho trái mà đòi hỏi chế độ chăm sóc và những tác động đặc biệt của con người. Vườn trồng cam cần đảm bảo vệ sinh nhằm hạn chế sâu bệnh, có khả năng thoát nước tốt để tránh úng ngập gây chết cây. Vào thời điểm tháng cuối năm, khi thu hoạch xong phải tiến hành đảo bầu, có nghĩa là làm bật gốc cây lên khoảng một tuần đến lúc lá ngả vàng mới trồng lại và chăm sóc thật tốt. Cây ra hoa tiếp tục thực hiện kỹ thuật cắt khoanh vỏ cây ngưng cung cấp nước lên thân để hoa đậu trái theo ý muốn. Đặc biệt là cần phòng trừ thật tốt các loại sâu bệnh và bón cân đối các loại phân. Để đảm bảo chất lượng cho cam, trên diện tích 3.000 m2 với 1.000 cây cam, bưởi anh Hợp đã phải nghiền 2 tấn ngô, 1 tấn đỗ tương ngâm ủ trong 3 tháng rồi kết hợp với một lượng nhất định phân hóa học để chăm bón cho cây.
f
Anh Nguyễn Văn Hợp (đứng thứ 3 từ trái qua) trao đổi kỹ thuật trồng cây cam Đường Canh với mọi người.

Do là năm đầu ra bói nên anh Hợp chỉ xử lý kỹ thuật đậu quả cho hơn 100 cây cam Đường Canh và một số cây cam Vinh, bưởi Diễn với kết quả rất đáng mừng. Những cây cam, bưởi được xử lý cho quả rất sai, trung bình từ 5 – 7 kg/cây, thậm chí có cây cho 10 kg quả, màu sắc bắt mắt và đặc biệt là chất lượng quả rất ngọt, mát. Biết tin anh Hợp trồng thành công giống cam đặc sản của Hưng Yên rất nhiều người dân đã tìm đến chiêm ngưỡng và học hỏi kinh nghiệm.


Anh Hợp cho biết thêm: Dù đã nắm bắt rất kỹ về kỹ thuật trồng và chăm sóc nhưng đến thời điểm này tôi mới thấy việc “đánh cược” của mình không còn mạo hiểm. Là những giống cam đặc sản có giá bán cao, về hình dạng lại giống với cam của Trung Quốc nên khó tiêu thụ tại địa phương. Vì thế tôi phải mang sản phẩm của mình xuống tận Hưng Yên giao bán. Với giá bán từ 50 -55.000 đồng/kg, vụ đầu có thể thu về 30 – 40 triệu đồng từ hơn 100 cây cam được thử nghiệm xử lý cho đậu trái. Con số này có thể tăng lên đến hơn 100 triệu đồng vào năm sau nếu toàn bộ vườn cam, bưởi cho quả theo ý muốn. Cùng với đó diện tích những loại cây có múi đặc sản này sẽ được mở rộng lên gần 1 ha khi có điều kiện thuận lợi.

Dù mới là kết quả bước đầu nhưng triển vọng của những loại cây có múi đặc sản trên đất Nà Phặc là rất khả quan. Mô hình không chỉ mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của địa phương mà nó còn cho thấy sự mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm của thế hệ trẻ Nà Phặc./.

No comments:

Post a Comment