Thursday, December 26, 2013

Trồng cam Đường Canh thu bạc tỷ trên vùng đất vải thiều

Nhà nghèo nuôi chí lớn

    Nhìn vườn cam Đường Canh rộng bạt ngàn, cây nào lá cũng xanh rì, quả sai như bện vào nhau, trong thâm tâm tôi tự cảm phục người nông dân có dáng thấp bé mà có chí lớn. Tâm sự với tôi, anh Long cho biết: xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, cả bố lẫn mẹ đều bị tật nguyền, ngay từ nhỏ Bùi Đức Long đã phải sống trong cảnh thiếu thốn đủ mọi bề về vật chất. Đến năm 1986, anh vào quân đội. Thời gian 3 năm trong quân ngũ đã “bồi đắp” thêm cho anh nghị lực để vươn lên quyết chí làm giầu. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, anh Long xây dựng gia đình với chị Giáp Thị Thao và bắt đầu thực hiện chí hướng đó.
Bắt đất nghèo sinh bạc tỷ
     Ban đầu anh vay vốn làm nghề buôn bán sắn, đỗ, gạo. Trong một lần xem ti vi thấy người dân ở Hà Tây trồng cam Đường Canh có hơn 1 sào mà lãi tới 70 triệu đồng, anh Long đã nghĩ: “Tại sao người dân ở nơi khác làm kinh tế giỏi như vậy mà dân mình ở đây lại để đất hoang phí quá”. Vậy là anh đã đầu tư tiền của, cất công đi đến tận Hà Tây, Hưng Yên để học tập cách làm ăn. Nếu như những người khác chỉ đi đến những mô hình trồng cam Đường Canh để học về cách làm thành công thì anh Long gần như lại học ngược lại. Với ý định táo bạo “Đưa cây cam Đường Canh xuống đồng ruộng sình lầy - chỉ cấy được một vụ lúa không ăn chắc” đã khiến nhiều người trong thôn nghi ngờ về hiệu quả của mô hình. Ngay cả vợ anh cũng kịch liệt phản đối vì một mặt sợ anh vất vả, mặt khác cũng sợ mô hình sẽ thất bại. Mặc dù không ít người khuyên ngăn nhưng đầu năm 2003, anh Long vẫn quyết tâm đầu tư hết vốn liếng 205 triệu đồng mua 1,5 mẫu ruộng sình lầy để chuyển đổi mục đích sử dụng, rồi đảo lộn đất lên, đánh luống, lầm bầu triển khai trồng 700 cây cam Đường Canh đầu tiên. Chính việc thực hiện mô hình này đã khiến cho hai vợ chồng anh ba tháng dòng không nói chuyện với nhau...
     Để có tiền lấy ngắn nuôi dài, anh Long đã thực hiện trồng xen đu đủ Đài Loan với cây cam. Do việc chọn giống tốt và được chăm sóc đúng kỹ thuật nên vụ đu đủ năm 2004, anh Long đã thu về 92 triệu đồng. Có nguồn vốn này, anh đầu tư mua thêm 1,2 mẫu vải thiều liền kề với trang trại của mình, rồi chặt bỏ vải đi để trồng cam Đường Canh. Có thể nói anh Bùi Đức Long là người đầu tiên trong xã Hồng Giang dám mạnh dạn phá bỏ cây vải thiều đi để trồng loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
     Sau ba năm cần mẫn chăm sóc, “đất chẳng phụ công người” đến năm 2005, vụ cam Đường Canh đầu tiên đã mang lại cho gia đình anh Long được hơn 170 triệu đồng. Vụ thứ hai năm 2006, anh thu về được 204 triệu đồng. Thấy đây là loại cây cho thu nhập cao, anh Long lại tiếp tục mua thêm 1,9 mẫu ruộng để mở rộng mô hình. Cứ với cách làm như vậy, diện tích vườn cam Đường Canh không ngừng được mở rộng tăng lên đến 4,6 mẫu, với tổng số trên 2.800 cây cam Đường Canh lớn, nhỏ. Giá trị kinh tế thu về theo đó cũng tăng lên. Năm 2007, anh Long bán được hơn 800 triệu đồng tiền cam. Duy nhất có năm 2008, vì bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt lịch sử tháng cuối 11 – do cơn bão số 6 gây ra nên vườn cam Đường Canh nhà anh chỉ thu về được 250 triệu đồng, tính ra gia đình anh đã bị thiệt hại mất khoảng 650 triệu đồng.
     Năm nay, với hàng nghìn cây cam Đường Canh cho thu hoạch, anh Long chỉ ước tính với số lượng cây to, mỗi cây lấy trung bình 40 kg quả, sản lượng vườn cam nhà anh không thể đạt thấp hơn 80 tấn quả, tính ra giá trị thu về phải được trên dưới 1,6 tỷ đồng. Thời điểm này, anh Long đang phải thuê 7 lao động vừa chăm sóc cam Đường Canh, vừa tỉa bớt quả đi cho đỡ sai, để cây có sức nuôi số lượng quả vừa phải thì chất lượng quả mới đạt yêu cầu. Việc tiêu thụ cam Đường Canh cũng rất thuận lợi, bởi tư thương thường đến tận trang trại nhà anh đặt mua hàng.
     Theo anh Bùi Đức Long, trồng cam Đường Canh là cây “siêu lợi nhuận” nhưng không phải ai cũng làm được. Bởi đây là loại cây “khó tính”, muốn trồng được cam Đường Canh có hiệu quả thì người dân phải hội tụ đủ ba yếu tố: Giầu về kinh tế; giầu về tri thức, kinh nghiệm sản xuất và giầu lòng tâm huyết với cây. Thiếu một trong ba yếu tố trên thực hiện sẽ khó thành công.

     Từ mô hình trồng cam Đường Canh này, anh Bùi Đức Long đã trở thành người nông dân sản xuất kinh doanh giỏi vào bậc nhất của huyện Lục Ngạn, nhiều lần đã được Hội nông dân huyện giới thiệu đi dự hội nghị biểu dương điển hình làm kinh tế giỏi của tỉnh Bắc Giang và ở Trung ương. Tháng 6 vừa qua, gia đình anh Long cũng đã vinh dự được đón đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng về thăm và động viên.

No comments:

Post a Comment