QTV - Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây trồng kém
hiệu quả sang những giống cây cho năng suất cao vào sản xuất, mô hình trồng cam
Đường Canh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho
người nông dân trên địa bàn huyện Đầm Hà.
Là một cựu cán bộ công tác tại Trạm khuyến nông huyện Đầm Hà, ông Nguyễn
Văn Phượng, thôn Thái Lập, xã Tân Lập tuy đã nghỉ hưu nhưng với sự đam mê và
lòng nhiệt huyết với nghề đã luôn trăn trở tìm ra những giống cây phù hợp với
điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương để đưa vào sản xuất. Năm 1990, ông
đã trồng thử nghiệm một số giống cây như nhãn, vải, ... tại vườn nhà song hiệu
quả thấp, không ổn định. Trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi những giống cây mới
cho hiệu quả kinh tế cao để thay thế những giống cây trồng trước đó, ông được
tiếp cận với giống cam Đường Canh là một giống cam có giá thành tương đối cao
trên thị trường. Nhận thấy kỹ thuật trồng cam Đường Canh tuy khó nhưng ông quyết
tâm nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm.
Mô hình trồng cam Đường Canh của gia đình ông Nguyễn Văn Phượng mang lại hiệu quả kinh tế cao |
Đầu năm 2010, ông đã mạnh dạn phá bỏ trên 7000m2 diện tích nhãn, vải để
chuyển 430 cây giống, trong đó 400 cây giống cam Đường Canh và 30 cây cam Sành.
Sau 4 năm trồng, hiện nay trên 400 cây đã cho thu hoạch khoảng trên 2 tấn cam.
Với giá bán cam Đường Canh từ 40 – 50 nghìn đồng/kg, cam Sành 30 nghìn đồng/kg,
trừ hết chi phí ông Phượng lãi trên 100 triệu đồng.
Nhờ nhạy bén chuyển đổi, lựa chọn được giống cây trồng cho năng suất, chất
lượng, gia đình ông Phượng có nguồn thu nhập ổn định, đời sống từ đó được nâng
lên. Từ hiệu quả thực tế của mô hình của gia đình ông Phượng, vừa qua đã có
nhiều nông dân trong huyện đến tham quan và học hỏi, qua đó góp phần mở ra hướng
đi mới trong phát triển kinh tế cho người nông dân.
Hồng Thùy (Đài TT – TH Đầm Hà)
No comments:
Post a Comment